Kha tử còn gọi là cây chiêu liêu, myrobolan de commerce. Tên khoa học Terminalia chebula Retz.(Terminalia reticulata Roth., Myrobalanus chebula Gaertn.).
Thuộc họ Bàng Combretaceae.
Kha tử (Fructus Terminaliae) là quả chín hay sấy hay phơi khô của cây chiêu liêu hay kha tử.
Mô tả cây
Kha tử là một cây to cao chừng 15 - 20m, có vỏ màu đen nhạt trên có những vạch nứt dọc. Lá mọc đối cuống rất ngắn, hình trứng, phía cuống tròn hơi thon, đầu nhọn, dài chừng 15 - 20cm, rộng 7 - 15cm, dai, hơi có lông mềm trên cả hai mặt, sau thì nhẵn, ở đầu cuống có hai tuyến nhỏ hình mắt cua. Hoa mọc thành bông, nhỏ, màu trắng, lưỡng tính, mùi thơm, mọc ở đầu cành hay ở kẽ lá, cuống ngắn, trên có phủ lông màu vàng nhạt. Quả hình trứng thon, dài 3 - 4cm, rộng 22 - 25mm, hai đầu tù, không có dìa, có 5 cạnh dọc, màu nâu vàng nhạt, thịt đen nhạt, khô, cứng và chắc. Hạch cứng, hơi hình 5 cạnh, dày chừng 10 - 15mm, 1 hạt, lá mầm cuốn.
Có một loại chiêu liêu xanh (Terminalia citrina Roxb. hay Myrobalanus citrina Gaertn.). Có lá dài hơn, nhẵn, kể cả khi còn non, quả thuôn và nhỏ hơn, nhân mỏng hơn, hạt hẹp hơn. Chiêu liêu xanh mọc ở Biên Hòa.
Cây kha tử hay chiêu liêu chỉ mới thấy mọc ở miền Nam, Campuchia (còn gọi là Sramar), Lào, Ấn Độ, Miến Điện, Thái Lan.
Vào tháng 9 - 10 - 11 quả chín, hái về phơi khô là được.
Thành phần hóa học: trong kha tử có 20 - 40% tanin bao gồm axít elagic, axít galic, axít luteolic. Lượng tanin có khi lên đến 51,3% nếu quả thật khô.
Ngoài ra còn có axít chebulinic với tỉ lệ 3 - 4%. Trong nhân còn có 36,7% dầu vàng nhạt, trong.
Công dụng và liều dùng
Kha tử là một vị thuốc chuyên dùng chữa đi ỉa lỏng lâu ngày, chữa lỵ kinh niên, còn dùng chữa ho mất tiếng, di tinh, mồ hôi trộm, trĩ, lòi dom, xích bạch đới.
Ngày uống 3 - 6g dưới dạng thuóc sắc, thuốc viên.
Còn dùng trong kỹ nghệ thuộc da.
Điều đáng chú ý là khi dùng kha tử là liều nhỏ thì cầm đi tiêu, liều lớn lại gây đi tiêu. Liều cầm đi tiêu là 3 - 6g.
Đơn thuốc có kha tử:
Chữa xích bạch lỵ: kha tử 12 quả, 6 quả để sống, 6 quả nướng, bỏ hạt, sao vàng và tán nhỏ. Nếu lỵ ra máu thì dùng nước sắc cam thảo chiêu thuốc, nếu lỵ ra mủ không, dùng nước sắc cam thảo trích.
Chữa ho lâu ngày: kha tử 4g, đảng sâm 4g, sắc với 400ml nước cô đặc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày.
Trị viêm họng, đau họng: ngậm 1 quả kha tử, nuốt nước từ từ cho đến khi hết chát. Vài giờ sau chữa thấy hết khó chịu thì ngậm 1 quả nữa. Thông thường chỉ cần ngậm 1 quả là hết viêm họng. Nếu nặng hơn, mỗi ngày ngậm 3 quả, ngậm 2 - 3 ngày sẽ hết khan tiếng, tắt tiếng. Hoặc 8g kha tử, 6g cam thảo, 10g cát cánh đem sắc nước uống hàng ngày.
Ho lâu ngày: kha tử, đảng sâm mỗi thứ 4g sắc với 400ml, còn 150ml, chia uống 3 lần.
Liều 3 - 10g cho uống thuốc thang hoặc thuốc tán.Trường hợp dùng để trị tiêu chảy nên dùng kha tử nướng, trường hợp ho mất tiếng nên dùng kha tử sống, nếu là quả kha tử xanh tác dụng càng hay.Trường hợp bệnh nhân có triệu chứng thấp nhiệt tích trệ không nên dùng độc vị kha tử.
BS. TRƯƠNG MINH HỮU HẠNH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét