Đỗ trọng (Eucomia ulmoides Oliv. thuộc họ Đỗ trọng (Eucommiaceae) vị thuốc này được ghi đầu tiên ở sách Bản kinh. Còn có tên là Mộc miên vì trong vỏ có chất sợi tơ bạc.
Đỗ trọng là thân cây gỗ, cao từ 15 - 20m, đường kính độ 33 - 50cm. Vỏ cây màu xám. Lá mọc cách, hình tròn trứng, phía cuống hình bầu dục hay hình thùy, đuôi lá nhọn, lá xanh có răng cưa; mặt lá nhẵn bóng, màu xanh đậm, bóng láng, mặt trái lá non có lông tơ, lúc già thì nhẵn bóng không còn lông, có vân vằn, cuống lá có rãnh, không có lá bắc.
Hoa đơn tính khác gốc; hoa đực và hoa cái không có bao hoa; hoa đực mọc thành chùm; hoa cái tụ tập 5 - 10 cái ở nách lá. Quả có cánh mỏng dẹt, ở giữa hơi lồi, trong có một hạt. Hạt dẹt, hai đầu tròn, có thể dùng làm giống. Bộ phận được dùng là thuốc là vỏ cây đỗ trọng, dùng tùy theo chủ đích mà có cách chế biến khác nhau. Liều dùng 5 - 12g dưới dạng thuốc sắc hay ngâm rượu.
Những công dụng tuyệt vời
Đỗ trọng là vị thuốc được dùng từ lâu đời. Đây cũng là vị thuốc mang đầy tính huyền thoại với công năng kỳ diệu của nó. Bản thảo cương mục của Danh y Lý Thời Trân (thời nhà Minh, Trung Quốc) có chép: “Bàng Nguyên Anh kể lại: xưa có người thiếu niên mới lấy vợ bị bệnh yếu chân không đi được, uống các thuốc không khỏi, sau đó lương y Tô Lãm bắt mạch đoán rằng bệnh đó do thận hư, cho uống đỗ trọng 10 ngày là khỏi”.
Sách Bản kinh nói về công dụng của đỗ trọng: “Chủ yếu tích thống, bổ trung, ích tinh khí, kiện gân cốt, cường chí, trị âm nang ngứa chảy nước, tiểu gắt”. Sách thuốc cổ viết: “Phàm hạ tiêu chi hư, phi đỗ trọng bất bổ; hạ tiêu chi thấp, phi đỗ trọng bất lợi; túc kính chi toan, phi đỗ trọng bất khứ; yêu tất chi thống, phi đỗ trọng bất trừ” (phần dưới cơ thể suy yếu không có đỗ trọng thì không bồi bổ được; phần dưới có thấp không có đỗ trọng thì không phải làm thải ra được; chi dưới nhức mỏi không có đỗ trọng thì không làm hết được; lưng gối đau đớn không có đỗ trọng thì không trừ bỏ được).
Kết quả nghiên cứu dược lý học hiện đại cho thấy, đỗ trọng có tác dụng hạ huyết áp, giảm cholesterol trong huyết thanh, làm giãn mạch, tăng lưu lượng máu trong động mạch vành tim; làm hưng phấn hệ thống tuyến vỏ thượng thận - tuyến yên, ức chế cơn co tử cung, lợi niệu, trấn tĩnh, cải thiện khả năng sinh hoạt tình dục.
Bài thuốc dùng đỗ trọng
Những bài thuốc bổ thận, cường dương tư âm, bổ dương, tăng cường tinh khí, nâng đỡ thể trạng chứ không chỉ có tác dụng kích hứng nhất thời làm cương cử dương vật. Các vị thuốc này phối hợp với nhau để quân bình âm - dương cho cơ thể. Bài thuốc phải đạt mục đích chủ bổ các tạng: Thận, Tâm, Can.
Thận chủ về thủy, tức là tinh khí. Thận khỏe thì tinh khí đặc, chứa nhiều tinh trùng nên dễ thụ thai.Tâm chủ về huyết hỏa hay năng lượng. Tâm tốt thì trí não quân bình, năng lực phương cương, sức lực bền dai, tinh trùng mới đủ sức bơi ngược dòng tử cung để thụ thai. Can thuộc hành mộc chủ về cân tức là gân. Cân khỏe thì gân mới đủ sức cương cử mà hành sự. Dương vật là một loại gân chủ yếu của cơ thể, gọi là “tông cân chi hội”, nên khi can khí không đến thì dương vật không cương được.
Như trên đã nói, đỗ trọng bổ Can, Thận, đồng thời có ích cho Tâm, tức một vị thuốc hội đủ ba yếu tố (tam bổ) cho người vô sinh - hiếm muộn. Tuy nhiên, để đỗ trọng làm nhiệm vụ chủ yếu bổ Thận, bên cạnh bổ Can và ích Tâm, người ta sao chế vị thuốc này với muối (muối và đỗ trọng lượng thích hợp, thường 50g muối hòa với nước cho 1kg đỗ trọng, sao cho đến khi đỗ trọng đứt tơ). Qua kinh nhiệm chữa bệnh lâu năm, chúng tôi dùng đỗ trọng trong một số bài thuốc chữa vô sinh-hiếm muộn.
Bộ phận được dùng làm thuốc là vỏ cây đỗ trọng
Trong bài viết này, chúng tôi giới thiệu bài thuốc cổ phương Bát vị hoàn, gia đỗ trọng và nhục thung dung. Trong đó, nhục thục dung là vị thuốc có vị ngọt, mặn, tính ấm; vào 2 kinh thận, đại tràng; có tác dụng bổ thận, ích tinh, nhuận táo, hoạt tràng. Chủ trị nam giới liệt dương (dương nuy), nữ giới không có thai, đới hạ (nhiều khí hư), băng lậu... Các kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy, hàm lượng hoạt chất sinh học trong nhục thung dung rất phong phú, có tác dụng như một loại hoóc-môn sinh dục, có khả năng kích thích và điều tiết hoạt động của tuyến thượng thận.
Còn đỗ trọng thì tác dụng của nó đã nói ở trên. Hai vị thuốc được thêm vào sẽ làm tăng tác dụng bổ thận, sinh tinh, cường dương…
Cụ thể bài Bát vị hoàn gia giảm: thục địa 320g, hoài sơn 240g, sơn thù 200g, đơn bì 120g, trạch tả 120g, bạch linh 160g, nhục quế 40g, phụ tử 40g, đỗ trọng 120g, nhục thung dung 50g. Thục địa nấu cao pha mật ong; các vị còn lại sấy khô tán mịn, hoàn với mật ong mỗi viên 10g. Ngày uống 4 viên chia sáng chiều.
Chúng tôi còn dùng bài Cố bản thập bổ hoàn (của Hải Thượng Lãn Ông): thục địa 320g, hoài sơn 240g, sơn thù 200g, bạch linh 160g, ngưu tất 160g; đỗ trọng 120g (tẩm rượu muối sao), ngũ vị tử 48g, phụ tử 60g, lộc nhung 300g. Bài này cũng làm hoàn mềm.
BS. NGUYỄN PHÚ L M
(Chủ tịch Hội Đông y Mang Thít, Vĩnh Long)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét