Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Hương nhu tía

Hương nhu tía còn có tên gọi là é rừng hay é tía. Cây thường mọc hoang ở nhiều nơi trong cả nước, nhưng cũng được trồng làm thuốc quanh nhà. Để làm thuốc chữa bệnh, thường thu hái hương nhu phần trên mặt đất, chủ yếu là cành có hoa, dùng tươi hoặc phơi ở nơi ít ánh nắng nhưng thoáng gió, nhiệt độ 30-40 độ C (gọi là phơi âm can). Hương nhu tía vị cay, mùi thơm, tính ấm, vào 2 kinh phế và vị có tác dụng làm ra mồ hôi, giải cảm, giảm sốt, lợi tiểu, dùng chữa cảm lạnh, tiêu chảy do lạnh, trị chứng hôi miệng...

Hương nhu trắng.

Chữa cảm lạnh hoặc đi mưa bị nhiễm lạnh (triệu chứng: phát sốt phát rét, đầu nhức, bụng đau, miệng nôn, đi tiêu lỏng..): Hương nhu tía 500g, hậu phác tẩm gừng nướng 200g, bạch biển đậu (đậu ván trắng) sao qua 200g, tất cả 3 vị tán nhỏ trộn đều. Mỗi lần dùng 8-10g pha với nước sôi để uống. Ngày uống 2 lần vào buổi trưa và tối sau bữa ăn. Dùng từ 2-3 ngày. Hoặc hương nhu tía 100g, tán nhỏ, mỗi lần dùng 8g, pha với nước sôi uống. Ngày uống 2 lần, uống khi nào mồ hôi ra được là khỏi bệnh.

Ngoài ra, để giúp giải cảm nhanh ngoài dùng bài thuốc trên nên kết hợp với nồi nước xông.

Cách làm: Hương nhu tía, lá sả, lá bưởi hoặc vỏ ngoài quả bưởi chín (bỏ cùi trắng, thái mỏng), ngải cứu, lá khuynh diệp (hoặc lá chè đồng, cây chổi xuể), lá tre, cành lá thanh táo, tía tô, lá gừng, húng chanh, mỗi vị 15g (các vị thuốc trên đều tươi). Tất cả rửa sạch, đặt vào nồi đổ 5-6 lít nước sạch. Đun vừa sôi đều 5 phút thì hạ lửa, lấy lá chuối tươi hoặc miếng vải mỏng bịt kín miệng nồi, đậy vung đun thêm cho sôi trở lại chừng 1 phút (để tích hơi nước).

Cách xông: Đặt nồi nước xông trong phòng kín gió. Người bệnh cởi bỏ quần áo, ngồi trước nồi

Hương nhu tía.

nước xông còn đậy kín, trùm chăn đơn (vỏ bọc chăn bông, bằng vải) cho kín người và nồi nước xông. Ngẩng cao đầu, nghiêng sang một bên để tránh hơi nước nóng phả mạnh vào mặt, rồi từ từ hé vung nồi cho hơi nước thoát ra, sao cho độ nóng vừa ở mức chịu đựng được. Hít thở mạnh và sâu để hương tinh vào sâu trong phế nang. Thời gian xông hơi khoảng 15 phút. Lau sạch mồ hôi bằng khăn khô sạch. Pha thêm nước ấm sao cho đạt 37-38 độ rồi tắm trong phòng kín gió, lau khô cơ thể, mặc quần áo sạch. Nước xông giải cảm rất đơn giản, dễ làm và hiệu quả trong việc điều trị bệnh. Lưu ý: Không được áp dụng liệu pháp này cho người ra nhiều mồ hôi, mất nước, mất máu nhiều, chóng mặt, già yếu lú lẫn, bệnh nhân parkinson, trẻ em dưới 12 tuổi...

Trị chứng hôi miệng: Hương nhu tía 10g sắc với 200ml nước còn 100ml. Dùng nước sắc từ hương nhu để súc miệng và ngậm hàng ngày, nên dùng vào buổi sáng và tối trước khi đi ngủ. Dùng liên tục trong 15 ngày.

Giúp tóc nhanh dài, bóng mượt: Hương nhu tía, lá bưởi (hoặc vỏ bưởi), quả bồ kết khô (đã đốt qua), mỗi vị 10g, nấu với 3 lít nước, pha ấm gội đầu. Tuần gội 2 lần, giúp tóc nhanh dài và rất mượt.

Chữa tiêu chảy do lạnh bụng: Hương nhu tía 12g, tía tô (lá và cành), mộc qua, mỗi vị 9g, sắc nước với 3 bát nước còn 1 bát, uống trong ngày sau bữa ăn sáng.

Chữa phù thũng, nước tiểu đục: Hương nhu tía 9g, bạch mao căn (rễ cỏ tranh) 30g, ích mẫu thảo 12g, sắc với 600ml nước còn khoảng 200ml, uống thay trà hàng ngày. Mỗi liệu trình điều trị trong 10 ngày.

Trẻ chậm mọc tóc: Hương nhu tía 40g, sắc với 200ml nước, cô đặc, trộn với mỡ lợn, ngày bôi 1-2 lần. Trước khi bôi cần vệ sinh da đầu cho trẻ sạch sẽ tránh viêm nhiễm do da đầu bụi, bẩn.

Lưu ý: Những người hay ra nhiều mồ hôi không nên dùng đơn thuốc có sử dụng hương nhu tía.

Phân biệt hương nhu tía và trắng

Hương nhu tía: Là loại cây nhỏ, sống hàng năm hoặc nhiều năm: có thể cao 1,5-2m. Thân và cành thường có màu tía, có lông quặp. Lá có cuống dài, thuôn hình mác hay hình trứng, dài 1-5cm, mép có răng cưa, 2 mặt đều có lông. Hoa màu tím, mọc thành chùm, xếp thành từng vòng từ 6 đến 8 chiếc trên chùm, ít khi phân nhánh. Hương nhua tía thường được dùng làm thuốc trong Đông y.

Hương nhu trắng (có tên gọi là é lớn): Là cây thường cao hơn hương nhu tía. Lá mọc đối, có cuống, phiến lá dài 5-10cm, hình trứng nhọn, phía cuống thon, mép khía tai bèo hay răng cưa thô. Trên gân chính của lá có lông. Hoa nhỏ mọc thành xim đơn 6 hoa, xếp thành chùm, đôi khi ở phía dưới có phân nhánh. Hương nhu trắng có hàm lượng tinh dầu cao hơn hương nhu tía, nên có mùi hắc và khó uống. Chủ yếu được khai thác để cất tinh dầu.

Bác sĩ Hoàng Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Kha tử

Lịch sử sử dụng Kha tử trong Y học cổ truyền Khi nghiên cứu các loại thảo dược được sử dụng trong hệ thống Y học cổ đại Ấn Độ Ayurveda với h...