Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Sắn dây

sắn dây

Sắn dây còn có tên cát căn, cam cát…, là rễ củ cây sắn dây (Pueraria thomsoni Benth.), thuộc họ đậu (Fabaceae). Cát hoa là hoa khô của cây sắn dây (Flos Puerariae). Theo Đông y, cát căn vị ngọt, tính bình. Có tác dụng giải ngộ độc rượu, chữa phiền khát, đại tiện ra máu.

Thành phần dinh dưỡng: cát căn có flavonoids (daizein, puerarin, formononetin…); triterpenoids (sophoradiol, soyasapogenol…) và các hợp chất carbohydrate. Có tác dụng chống co giật, hạ sốt, tăng cường nhu động dạ dày ruột, làm giãn mạch vành, chống loạn nhịp tim, hạ huyết áp, làm giảm nồng độ đường huyết, chống kết dính tiểu cầu. Nhóm hoạt chất isoflavon trong củ sắn có hoạt tính estrogen, là chất chống oxy hóa, làm chậm quá trình lão hóa cơ thể.

Theo Đông y, cát căn vị ngọt, mát, tính bình; vào các kinh tỳ, vị, phế, bàng quang. Có tác dụng thanh nhiệt, giải cơ, thấu chẩn, chỉ khát, sinh tân chỉ tả. Trị cảm sốt đau đầu, đau cứng vùng đầu cổ vai, sốt nóng khát nước, lỵ, tiêu chảy, ban sởi mọc chậm không đều. Hằng ngày dùng 6 - 16g cát căn bằng cách sắc, luộc, chưng hầm, vắt lấy nước; cát hoa dùng 6 - 12g.

Một số bài thuốc có cát căn:

Tán nhiệt, giải biểu: Trị ngoại cảm, người nóng, phiền khát, đau cứng vùng cổ.

Bài 1 - Thang sài cát giải cơ: cát căn 8g; khương hoạt, sài hồ, bạch truật, hoàng cầm, thược dược mỗi vị 4g; cam thảo 2g, cát cánh 2g, thạch cao 8g, gừng sống 3 lát, đại táo 2 quả. Sắc uống. Trị cảm mạo, hơi rét mà sốt cao, nhức đầu, chi mỏi, nhức mắt khô mũi, tim hồi hộp, không ngủ được, mạch vi hồng.

Bài 2 - Thang cát căn hoàng cầm hoàng liên: cát căn 12g, hoàng cầm 12g, hoàng liên 4g, cam thảo 4g. Sắc uống. Trị viêm ruột cấp tính, lỵ, mình nóng, phiền khát.

Thúc sởi, tống độc:

Bài 1 - Thang cát căn: cát căn 12g, ngưu bàng tử 12g, thuyền thoái 4g, liên kiều 16g; uất kim, cam thảo, kinh giới, cát cánh mỗi vị 8g. Sắc uống. Bệnh sởi mới phát chưa mọc đều.

Bài 2: cát căn, thăng ma, cam thảo, ngưu bàng tử mỗi vị 10g. Trị sởi mọc không đều.

Sắn dây là thức uống rất tốt trong những ngày hè, giúp thanh nhiệt giải độc cơ thể.

Sắn dây là thức uống rất tốt trong những ngày hè, giúp thanh nhiệt giải độc cơ thể. Tuy nhiên, nó còn có nhiều lợi ích với sức khoẻ.

Sinh tân dịch, dịu khát:

Bài 1: cát căn 12g, thạch cao sống 20g, tri mẫu 8g. Sắc uống. Các chứng nhiệt mới phát, phiền nóng khô miệng.

Bài 2 - Cát căn thang: cát căn 12g, ma hoàng 9g, quế chi 6g, sinh khương 9g, cam thảo chích 6g, thược dược 8g, đại táo 10 quả. Sắc bỏ bã chia uống 3 lần trong ngày. Chữa cổ cứng, miệng khát, sợ gió, không có mồ hôi

Bài 3: sắn dây tươi 40g, mạch môn tươi 40g, cỏ nhọ nồi 40g, lá tre 20g. Sắc uống, ngày 1 thang. Trị sốt cao, môi khô, miệng khát, đau vùng thượng vị, đại tiện bí kết.

Nhuận gân, chống giật: Trị co rút vùng lưng.

Bài 1: cát căn 8g, kim ngân hoa 6g, hoàng cầm 4g, ngô công 2 con, toàn yết 2 con, bạch thược 6g, hoàng liên 3g, cam thảo 2g. Chữa trẻ viêm não tuỷ, co rút vùng lưng.

Bài 2: cát căn 20g. Sắc uống. Trị tăng huyết áp, vùng cổ bị đau cứng.

Món ăn thuốc có sắn dây:

Song cát thang: cát căn tươi 150 - 200g, khổ qua tươi 150 - 200g. Hai vị rửa sạch thái lát sắc hãm uống. Ngày 1 lần, đợt 2 - 3 ngày. Dùng tốt cho người cảm mạo phong nhiệt, đau đầu sốt nóng vã mồ hôi, tắc ngạt mũi, đau sưng họng, viêm khí phế quản, ho có đờm vàng, sốt xuất huyết.

Cháo sắn dây gạo tẻ: bột sắn dây 30g, gạo tẻ 50g. Gạo ngâm nước 1 đêm, nấu cháo cùng với bột sắn, thêm chút muối hoặc đường. Dùng tốt cho người tăng huyết áp, bệnh mạch vành, đái tháo đường typ II (hay gặp ở người đứng tuổi), tiêu chảy mạn do tỳ hư. Ngoài ra còn làm thức ăn giải nhiệt giải khát khi nắng nóng, mùa hè.

Nước rau má sắn dây

Nước rau má sắn dây

Nước ép sắn dây ngó sen: sắn dây tươi, ngó sen liều lượng như nhau, ép lấy nước uống. Dùng cho người chảy máu dưới da, rong kinh, rong huyết, chảy máu chân răng, đại tiểu tiện ra máu.

Nước rau má sắn dây: rau má tươi 20 - 30g, bột sắn 10g. Rau má rửa sạch, giã nát, thêm 150 - 200ml nước sôi, để nguội gạn lấy nước; hòa bột sắn, thêm đường uống. Trị sốt nóng, nhức đầu, mẩn ngứa, mụn nhọt rôm sảy, kiết lỵ ra máu.

TS. NGUYỄN ĐỨC QUANG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Kha tử

Lịch sử sử dụng Kha tử trong Y học cổ truyền Khi nghiên cứu các loại thảo dược được sử dụng trong hệ thống Y học cổ đại Ấn Độ Ayurveda với h...